Chùa hang Ajanta-Ấn Độ

|


Ajanta
Ajanta Caves in Maharashtra, India


Chùa hang Ajanta- Một kho báu về nghệ thuật cổ Ấn Độ
      Từ một dải núi đá khổng lồ, người Ấn Độ cổ đại đã đục đẽo, chạm khắc tạo nên những công trình kiến trúc với tầm vóc kỳ vĩ cùng sự tỉ mỉ, tinh tế trong từng chi tiết. Đó là tổ hợp chùa hang Ajanta ở bang Maharasta.
Ajanta

      Tất cả có 30 ngôi chùa, ngày nay người ta gọi tên theo số, từ ngôi chùa I cho đến ngôi chùa XXX, trong đó ngôi chùa IX và ngôi chùa X là hai công trình được tạo tác sớm nhất, từ thời Vương triều Andra. Hầu hết các ngôi chùa hang khác được xây dựng, tạo tác trong vương triều Phật giáo Gupta, từ thế kỷ IV đến thế kỷ VIII. Vương triều Andra bắt đầu từ năm 28 trước công nguyên, kéo dài 460 năm, là một thời kỳ bình yên với sự phát triển khá mạnh về kỹ nghệ và thương mại, có nhiều thành phố mới được xây dựng, rất hưng thịnh. Những công trình kiến trúc thời kỳ này đã đạt đến đỉnh cao của kỹ nghệ, trong đó tiêu biểu là chùa hang số IX và chùa hang số X. 

      Tất cả các ngôi chùa hang Ajanta đều được tạo tác bằng cách đục khoét sâu vào lòng đá. Mặt ngoài, mỗi ngôi chùa thường có khoảng 20 cột đá đục đẽo liền từ núi đá nguyên thủy, rồi chạm khắc, trang trí công phu. Bước qua hàng hiên là tới đại sảnh, hai bên có hai dãy trai phòng, nơi cư ngụ của các nhà sư. Người ta đục đá tạo tác bàn thờ lớn từ giữa hang chùa đến đáy hang chùa. Chính bởi phải cắt đục lòng núi để tạo thành chùa nên người đời mới gọi là chùa hang. Có những ngôi chùa rất lớn như chùa hang XVI, gian hành lễ rộng đến 400m2. Chùa hang I, chùa hang II cũng có những phòng lễ hội rộng mênh mông với những cột lớn được chạm khắc tỉ mỉ và các đường soi nuột nà. Chân cột vuông, đỉnh cột có vầng tròn áp trần hang trang trí những tràng hoa lớn công phu.
  
     Chùa hang XXVI có các hàng cột vĩ đại đỡ ngạch cửa khổng lồ với những hình chạm trổ tinh mỹ.
Vợ và con Đức Phật
      Các chùa hang ở Ajanta chứa những bức họa đẹp nhất của nghệ thuật Phật giáo. Dày đặc trên các  vòm ở các vách chùa hang là những bức tranh màu đặc sắc. Trong 16 ngôi chùa hang có nhiều tranh vẽ bằng màu đỏ, xanh lá cây, xanh lam trên nền đá cẩm thạch, mô tả sinh động những điển tích Phật giáo. Đó là những tác phẩm mỹ thuật vừa lộng lẫy vừa uy linh. Ở 14 chùa hang khác có nhiều bức tranh vẽ các tích Phật cùng nhiều bức tranh mô tả cuộc sống nhiều mặt của người dân Ấn đương thời. Chùa hang XVIII nổi tiếng với bức bích họa lớn vẽ một phụ nữ và một đứa trẻ, gương mặt họ bừng lên khao khát hướng tới sự giải thoát. Đó là vợ và con của Đức Phật. Trong chùa hang XIX, một điêu khắc đá tuyệt diệu, tạc hình Phật đứng, áo cà sa bó thân, gương mặt Đức Phật đẹp một vẻ đẹp lý tưởng, miệng hơi mỉm cười, đôi mắt nhìn xuống; Tóc quăn, tai chảy dài, những biểu hiện quý tướng của Phật giới; Nhưng tất cả trông thân thiện và ấm áp lạ lùng. Bức phù điêu đá này được coi là mẫu mực cổ xưa nhất của dáng tượng Phật đứng.

      Trung Ấn là một vùng đất thấm đẫm văn hóa nghệ thuật Phật giáo từ hơn 2.000 năm nay và những chùa hang Ajanta là đỉnh cao rực rỡ. Vào thế kỷ thứ VII, nhà sư của Vương triều Đại Đường Trung Quốc Trần Huyền Trang đến đây đã thốt lên: “Ở đây, tất cả đều kỳ vĩ, mọi cái vô cùng tinh tế”. Tất cả mọi cái mà Huyền Trang nói, không chỉ là những tác phẩm điêu khắc đá và bích họa mô tả những điển tích Phật giáo một cách toàn vẹn, to lớn và sâu sắc, mà nó bao gồm cả những bích họa và điêu khắc đá mô tả đời sống xã hội Ấn Độ đương thời. Tư tưởng Phật Giáo hòa quyện một cách tự nhiên giữa thế giới thánh thần và đời sống con người.

      Sau ghi chép của Quốc sư Đại Đường Trần Huyền Trang, không thấy có thư tịch nào nói tới chùa hang ở Ajanta suốt cả ngàn năm. Tưởng như di sản nghệ thuật kỳ vĩ này bị chìm trong lãng quên mãi mãi. Nhưng may sao, đến năm 1819 người ta đã phát hiện ra nó giữa rậm rạp hoang vu của đại ngàn. Nhiều nhà khoa học và giới quan tâm đổ xô đến Ajanta để chiêm ngưỡng những chùa hang kỳ diệu. Không ít người thốt lên: “Thật hiếm có một dân tộc nào trên thế giới mà tấm lòng nhiệt thành với Phật giáo lại cháy bỏng và sâu sắc như người Ấn”. Người ta đã không biết có bao nhiêu vạn người lao động sáng tạo trong bao nhiêu năm trường mới tạo ra được mấy chục chùa hang kỳ vĩ này?! Có lẽ, phải như người Ai Cập xây dựng các Kim Tự Tháp, hay như người Trung Quốc tạo dựng Vạn Lý Trường Thành... 

      Những chùa hang ở Ajanta do bàn tay con người tạo nên bằng đá và khổng lồ như núi lớn, trong đó là cả một kho báu khổng lồ vô giá, không chỉ là nghệ thuật, mà còn là lịch sử, là dân tộc học, là xã hội học, là tôn giáo học...
Ajanta

“Thiên đường khép kín với đầy vẻ thanh bình mà chúng ta chưa từng bao giờ nghĩ đến”.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Văn minh thế giới

My Friend's Blog

 

Copyright 2008 All Rights Reserved by me