TRUYỆN ÔNG HOÀNG ĐÀO HOA KRISHNA

|
krishna
Krishna


(hóa thân thứ tám của thần Vishnu)
      Thần giáng sinh vào lúc hoàng tộc có sự bất hòa : Kansa truất ngôi cha, hạ ngục chị là bà Devaki, cùng chồng bà là Vasu-deva. Không những chỉ hạ ngục anh chị, mà còn hạ lệnh giết bất cứ người con nào của chị sinh ra vì có lời tiên tri Kansa sẽ bị giết bởi một người con của bà Devaki. Kansa đã giết tất cả sáu đứa con của Devaki. Khi bà này sắp sửa sinh hạ đứa thứ bảy thì thần Vishnu tới cứu bằng cách lấy bào thai còn trong tử cung mang lại trao cho Rohini, người vợ khác của Vasu-Deva, lúc đó đương sống cùng hai vợ chồng người chăn bò Nanda và Yashodâ tại Gokula. Tới kỳ hạn, đứa trẻ bọc sinh ra và mang tên là Bala-Râma. (Chính là hóa thân của rắn thần Ananta mà thần Vishnu vẫn nằm nghỉ ngơi trên đó)
Krishna chào đời

       Sau đó bà Davaki lại mang thai đứa thứ tám. Vào lúc bà hạ sanh đứa trẻ này, nhã nhạc vang lừng, trên mặt đất các cây đều nở hoa tưng bừng. Đứa trẻ này chính là thần Vishnu giáng sinh lần thứ tám thành Krishna. Khi vừa sinh ra, Krishna xuất hiện trước cha mẹ với vương miện trên đầu, mình mặc áo vàng, bốn tay cầm bốn vật tượng trưng là vỏ ốc, đĩa tròn, bông sen và cái chùy. Krishna nói với cha mẹ hãy mang mình tới nhà Yashodâ để đánh tráo lấy đứa con gái mà Yashodâ sắp sinh. Dứt lời, Krishna trở lại hình hài đứa trẻ sơ sinh. Tuy sự hiển hiện cùng lời dặn dò vừa qua rất đỗi kỳ lạ, Vasu-Devâ cũng quyết định tuân theo. Ông đặt đứa trẻ nằm gọn trong một cái lẵng, rồi đội lên đầu sửa soạn ra khỏi nhà tù. Những dây xích tự nhiên được tháo tung, cửa ngục mở, các lính canh ngục ngủ thiếp trong mê man và Vasu-Devâ ra đi êm thắm.
      Trên đường đi, Vasu-Devâ phải lội qua con sông Yamunâ. Lội tới giữa dòng, đứa trẻ bỗng trở nên nặng quá chừng, nước sông lại gần ngập tới đầu, khó mà lội qua được. Nhưng khi đứa trẻ vừa khỏa chân xuống nước, dòng sông bỗng rút cạn, thế là hai cha con sang bờ yên lành

       Khi tới nhà Nanda, có tiếng vọng ra bảo Vasu-Devâ cứ vào, cứ đặt đứa con trai xuống bên cạnh Yashodâ và mang đứa trẻ gái Yashodâ mới sinh trở về ngục. Việc xảy ra thật lẹ và êm thắm. Cả Nanda và Yashodâ đều không hay biết chi cả. Từ đấy Yashodâ nuôi nấng Krishna mà vẫn tưởng là nuôi chính con mình đẻ ra.

       Nghe tin chị sinh, Kansa lại tìm cách giết đứa trẻ, lần này cô gái hiện hình một nữ thần bảo với Kansa rằng đứa trẻ mà Kansa muốn giết hiện đương sống ở Gokula bên kia bờ sông Yamunâ. Kansa bèn sai bầy âm binh của mình đi giết hết những trẻ sơ sinh của cả vùng này.

       Chuyện kể về thời thơ ấu của Krishna thật nhiều. Yashodâ luôn luôn lo lắng về những hành vi lạ lùng của chú bé, mới phút trước chú là chú bé thường, phút sau chú đã hiện thành đấng chí tôn của vũ trụ. Bà cũng lo lắng về việc Kansa luôn luôn tìm cách ám hại đứa trẻ. Một lần Kansa sai Pâtanâ, một con ma cà rồng, hiện thành hình một người đàn bà có vẻ đẹp dịu hiền tới bế đứa trẻ lên lòng cho bú. Krishna hút hết chất độc tự vú con yêu ra, khiến nó chết tức khắc và hiện nguyên hình.

       Một lần khác Yashodâ đặt chú bé chơi yên lành dưới gầm một chiếc xe bò lớn trong sân. Yashodâ vừa đi nơi khác, một con quỷ bộ hạ của Kansa bèn nhảy lên định làm cho chiếc xe sập xuống nhưng Krishna đã lấy ngón chân hất phăng chiếc xe nặng đập vào tường đối diện, giết chết tươi con quỷ. 

       Một lần khác Yashodâ đương cùng chú bé đùa thì một đám mây đen kịt bất chợt sà xuống, túm lấy cổ chú bé rồi bay lên cao. Lần đó cơ hồ không còn cách gì cứu được chú bé, nhưng đám mây bị cưỡng bay chậm lại rồi hạ thấp dần xuống làng, chú bé thoát nạn. 

       Một lần Yashodâ muốn giữ cho chú bé khỏi nghịch bèn cột chú vào trục một bánh xe. Nhưng chú đâu chịu đứng nguyên một chỗ. Chú kéo lết chiếc bánh xe tới phía hai cây cổ thụ lớn mọc sát bên nhau. Chú gắng đi lọt vào giữa, chiếc bánh xe bị mắc chặn, chú vẫn kéo làm hai cây cổ thụ đổ rụp. Bỗng có hai thần linh hiện lên nói họ vốn đã bị cầm tù trong cây từ lâu, nay được Krishna phóng thích, họ xin một lòng quy thuận và thờ phụng như bậc thầy.
      Krishna thường hay lấy cắp bơ của các bà hàng xóm để phân phát cho khỉ và cho lũ trẻ khác, nhưng khi các bà tới mách thì bà nào cũng ngạc nhiên nhận thấy rằng Krishna đã lấy cắp bơ ở nhà mình vào cùng một lúc, còn bà Yashodâ lại xác nhận rằng cũng lúc ấy Krishna không hề ra khỏi nhà.
Một lần khác Krishna bốc đất bỏ vào miệng khi bà Yashodâ mở miệng Krishna để lấy đất ra thì được chứng kiến hình ảnh toàn thể vũ trụ. 

       Khi lên sáu, lên bảy, Krishna được phép theo anh là Balâ-râma ra đồng cỏ chăn đàn súc vật. Khoảng thời gian này trong rừng Brindâban thường vang ròn những tiếng cười của Krishna cùng lũ bạn mục đồng. Krishna rất thích thổi sáo, tiếng sáo huyền ảo đến nỗi dòng sông Yamunâ cũng chạy lạc đường vì mải nghe, và những bông sen khắp vùng đều bừng nở mãn khai trong hân hoan.

       Một lần có con rồng khổng lồ ẩn mình rất khéo chỉ để lộ riêng chiếc miệng há rộng của nó. Lũ trẻ mục đồng ngỡ đó là cửa động bèn chạy ùa vào. Con rồng hít hơi lùa cả lũ trẻ cùng đàn súc vật vào bụng. Lũ trẻ la hét kêu cứu Krishna. Krishna bèn tới cho con rồng hít nốt mình vào bụng. Nhưng khi đã vào trong, Krishna trở thành cao lớn dị thường làm vỡ bụng con rồng, lũ mục đồng và đàn súc vật được cứu thoát toàn vẹn.

       Một ngày kia có một con hạc khổng lồ cao bằng trái núi tới đậu bên bờ sông. Krishna để cho con hạc cặp mình giữa mỏ. Nhưng hạc chưa kịp nuốt thì Krishna đã trở thành một vật nóng bỏng, con hạc muốn nhả tức khắc, nhưng Krishna vẫn bám lấy, cố làm cho đứt mỏ hạc khiến con chim khổng lồ phải rãy chết.

       Một lần khác quỷ Metrâsur hiện thành hình một con cừu đực, thoạt giả vờ gậm cỏ yên lành, rồi bất chợt lao hết tốc độ về Krishna. Ai cũng nghĩ rằng lần này Krishna tất phải chết, nhưng Krishna vẫn điềm nhiên đợi lúc con quỷ vừa tới, bèn vung tay nắm lấy gáy cừu quay tít mấy vòng trên không rồi ném thẳng vào gốc cây. Metrâsur tan xác, máu thịt văng tung tóe khắp nơi. 
Krishna cưỡi đà điểu Garuda
      Vào một ngày nóng nực, đoàn mục đồng tới hồ Kâliya uống nước. Chúng không biết nước hồ đã nhiễm độc từ lâu, vì vậy chúng chết hết. Thấy vậy, Krishna khóc rống lên, nước mắt tiếc thương rỏ xuống và các bạn nhỏ đều hồi sinh. Krishna bèn quyết định giết con rắn độc ngụ dưới hồ. Con rắn độc Kâliya này đã phải rời bỏ chỗ ở cũ của nó vì sợ thần điểu Garuda (do Vishnu thường cưỡi).
Garuda sở dĩ không tới rừng Brindâban vì có lời nguyền của một đạo sĩ nếu nó tới đó sẽ bị chết. Vì vậy Kâliya vẫn được sống yên lành ở hồ này. Nọc độc của nó tiết ra khiến không một loài cây cỏ nào sống nổi quanh hồ, trừ một gốc cổ thụ. Nguyên do cây này đã một lần Gurada tới đậu; vì Garuda là thần điểu của Vishnu nên cây được nhiễm chất linh thiêng mà không bị nọc rắn làm chết. Một hôm, lũ mục đồng đương chơi banh, trái banh rớt xuống hồ. Krishna trèo lên cây, nhảy xuống hồ. Kâliya thấy nước hồ bị khuấy rộn thì giận lắm, bèn nghển cả trăm đầu lên quan sát. Thấy chú bé, nó bèn quấn lấy kéo xuống đáy hồ, định mổ cho chết. Nhưng răng rắn vừa đụng tới thịt thì Krishna bắt đầu lớn bồng lên; lớn đến mức Kâliya buộc lòng phải thả chú.

       Trong khi đó lũ mục đồng trên bờ hoảng sợ, một vài đứa chạy về báo bà Yashodâ và Nanda.Bà Yashodâ muốn liều nhảy xuống hồ cứu con, nhưng Bala-râma khuyên bà đừng lo ngại, Krishna quyết thắng trận và trở lên. Đoạn Bala-râma trèo lên cây lấy tù và ra thổi, ý báo cho Krishna biết rằng mẹ đương lo lắng.
Krishna cứu nạn cháy rừng
      Krishna bèn thả cho ống sáo của mình nổi lên mặt nước, gián tiếp báo rằng mình không sao. Các bạn bè của Krishna thấy vậy càng sợ hãi vì chúng cho rằng không bao giờ Krishna muốn rời chiếc sáo của mình cả. Bala-râma lại thổi một điệu tù và khác xin Krishna chứng tỏ rằng mình còn sống. Krishna bèn quặp lấy một đầu con rắn ngoi lên khỏi mặt nước. Đầu rắn đảo quẫy làm chiếc lông công như nhảy múa trên mặt nước khiến mọi người đều cho là Krishna bị giết đến nơi rồi. Không lâu Kâliya kiệt sức, Krishna tuần tự chém rụng những đầu của nó. Lúc Krishna sắp hạ độc thủ, chém nốt chiếc cuối cùng thì lũ vợ con rắn sụp lạy xin chú hãy tha sống cho chồng, cho cha. Krishna ưng thuận với điều kiện rắn phải trở về chốn cũ. Kâliya đáp nếu nó về chốn cũ thì thần điểu Garuda sẽ ăn thịt nó mất. Krishna bảo nó cứ yên chí, khi thần điểu Garuda thấy dấu chân Krishna trên đầu nó, sẽ không bao giờ tìm cách hại nó nữa. Thế là Krishna lên bờ. Lúc đó đã muộn lắm rồi, không ai kịp về nhà. Mọi người đồng ý ngủ qua đêm trong rừng. Họ tụ tập dưới một cây đa cổ thụ. Nửa đêm rừng phát hỏa, đám mục đồng thức giấc kêu cứu. Krishna ba lần mở miệng hút hết lửa, cứu được nạn cháy rừng.

2 nhận xét:

{ Unknown } at: lúc 04:00 9 tháng 11, 2012 nói...

Rat hay

{ fandomstee } at: lúc 18:06 13 tháng 11, 2012 nói...

Thank bạn! Rất vui được làm quen!

Đăng nhận xét

Văn minh thế giới

My Friend's Blog

 

Copyright 2008 All Rights Reserved by me